Thiết kế bề mặt bê tông độc nhất vô nhị mô tả những động tác khiêu vũ tưởng chừng như được sắp đặt ngẫu nhiên. Nhưng chỉ khi tiến lại gần hơn với Trung tâm Văn hóa Bernard Giraudeau, du khách mới nhận ra sự liên kết trong từng họa tiết đã tạo ra một một bức tranh tổng thể trên bề mặt công trình tưởng niệm tuyệt vời này.
Một công trình tưởng niệm đầy ý nghĩa
Espace Bernard Giraudeau có sức chứa lên đến 400 người. Trung tâm văn hóa này được đặt theo tên người con nổi tiếng của thành phố, diễn viên Bernard Giraudeau, người đã xuất hiện trong bộ phim hài “La Boum – The Party” vào năm 1980 và sau đó đã thu hút được người hâm mộ ở Đức từ vai diễn trong “Year of the Jellyfish” và vở bi kịch của Fassbinder “Water drops on Burning Rocks”. Giraudeau qua đời vào năm 2010 và được thành phố nơi ông sinh ra bày tỏ lòng tôn kính thông qua trung tâm văn hóa này.
Dự án được ủy quyền bởi hội đồng thành phố và tiêu tốn 2,7 triệu euro. Công ty kiến trúc Pháp BIM! đảm nhiệm việc lên kế hoạch. Các kiến trúc sư cho biết: “Chúng tôi đã chọn cách duy trì nguồn cảm hứng từ loại bê tông đã có mặt khắp nơi trong khu phố này từ những năm 1960 và để chứng tỏ rằng chúng tôi có thể tạo nên chất thơ trong từng họa tiết”. Họ đã thiết kế tòa nhà với các bức tường bên ngoài uốn cong với vẻ ngoài năng động được làm nổi bật lên bởi các họa tiết nhảy múa trên mặt tiền.
Thiết kế bề mặt bền vững cùng khuôn Reckli
Vào ban ngày, bức tường dày 4cm này trở nên sinh động bởi sự kết hợp của ánh sáng và bóng tối. Nhìn từ xa, tòa nhà trông như một khối đá trắng uốn cong được trải dài bởi các hoa văn ngẫu nhiên. Đến gần, những họa tiết người đang khiêu vũ dần hiện ra và sự kết nối dần được thể hiện rõ hơn.
Các tấm khuôn cao su Reckli đã được sử dụng để khắc họa hình ảnh các vũ công vào mặt tiền. Khuôn cao su này được lắp vào một ván khuôn trong quá trình đổ bê tông và có thể dễ dàng tách ra khỏi bề mặt bê tông sau khi bê tông đông cứng. Nó có khả năng tái tạo chi tiết các họa tiết mà không bị vỡ và nhờ vào khả năng đàn hồi loại khuôn này có thể được tái sử dụng từ 10 đến 100 lần.
Để đảm bảo các họa tiết trên mặt tiền liên kết với nhau liền mạch nhất có thể, các kiến trúc sư đã lựa chọn đổ bê tông tại chỗ. Do đó, các tấm khuôn đã được sử dụng trực tiếp trên công trường. Mẫu thiết kế đã được chia thành nhiều phần và so le để tránh sự đơn điệu. Việc thiết kế, hình thức và thực hiện theo tiêu chuẩn năng lượng HPE của Pháp khiến trung tâm văn hóa này trở thành một dự án mẫu mực về tính bền vững và sáng tạo.